CHỌN MŨ BẢO HIỂM XE ĐẠP ĐÚNG CÁCH


 bảo hiểm là một trang bị cần thiết bất cứ khi nào bạn đạp xe, thậm chí một số nơi còn được luật pháp yêu cầu. Hầu như tất cả mũ bảo hiểm được bán ra thị trường đều phải đạt những tiêu chuẩn chung về bảo vệ khỏi va đập. Nhưng vẫn có một số yếu tố mà bạn phải cân nhắc khi chọn mua mũ bảo hiểm xe đạp cho mình.

Trên hết, đảm bảo rằng bạn mua một chiếc mũ bảo hiểm vừa vặn: mũ không vừa có thể giảm độ bảo vệ (và sự tự giác đội mũ của bạn), nên hãy chọn mũ đúng kích cỡ và điều chỉnh chính xác khi đội.

Chọn mũ bảo hiểm phù hợp với kiểu đạp xe của bạn: các phân loại mũ bảo hiểm giúp dễ dàng chọn lựa hơn bằng cách hướng bạn đến những lựa chọn phù hợp với nhu cầu (nhưng mũ bảo hiểm đường trường vẫn dùng được cho những cung đường mòn đầy bùn đất và mũ bảo hiểm địa hình vẫn có thể dùng cho đường trường). Nhìn chung mũ bảo hiểm xe đạp được chia làm 3 loại cơ bản:

  • Mũ bảo hiểm xe đạp thành phố là một sự lựa chọn tiết kiệm, mang lại sự bảo vệ cơ bản cho những nhu cầu đạp xe bình thường.

  • Mũ bảo hiểm xe đạp đường trường được thiết kế để có trọng lượng nhẹ, thoáng khí tốt và mang tính khí động học.

  • Mũ bảo hiểm xe đạp địa hình thoáng khí tốt, đa số có phần bảo vệ sau gáy được kéo dài vì những tay lái địa hình có nguy cơ té ngã ra sau nhiều hơn những tay lái đường trường.

Xem xét tính năng đặc biệt nào mà bạn thật sự cần: những công nghệ bảo vệ mới và thiết kế tiên tiến (nhẹ hơn, ngầu hơn và khí động học hơn) có quan trọng với bạn không? Bạn có cần những tính năng đặc biệt như ngàm gắn tích hợp cho đèn hoặc camera hành trình? Hãy lưu ý là những tính năng đó sẽ làm tăng giá của chiếc mũ bảo hiểm lên.

MŨ BẢO HIỂM XE ĐẠP PHẢI VỪA VẶN VÀ THOẢI MÁI

Khi chọn mũ bảo hiểm, sự vừa vặn là điều thiết yếu vì chiếc mũ không vừa hoàn toàn có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ khi gặp tai nạn. Và bạn sẽ phải đội chiếc mũ đó mọi lúc mọi nơi khi đạp xe nên nó cũng cần phải thật sự thoải mái.

Để chọn đúng kích cỡ mũ bảo hiểm xe đạp, trước tiên hãy đo chu vi vòm đầu của bạn vì kích cỡ mũ bảo hiểm dựa trên chỉ số này.

Để đo chu vi vòm đầu, hãy dùng thước dây bao quanh vị trí to nhất của đầu bạn, thường là ở vị trí cao hơn lông mày khoảng 2.5 cm. Hoặc dùng một sợi dây quấn quanh đầu và sau đó dùng thước kẻ đo chiều dài đoạn dây.

Tham số kích cỡ mũ bảo hiểm xe đạp:

  • Extra small: dưới 51cm

  • Small: 51cm–55cm

  • Medium: 55cm–59cm

  • Large: 59cm–63cm

  • Extra large: trên 63cm

  • One size fits all: có một hệ thống điều chỉnh với khoảng cách rộng.

*Lưu ý: kích cỡ mũ bảo hiểm trên chỉ mang tính chất tham khảo, những hãng khác nhau sẽ có bảng kích cỡ nón khác nhau. Bạn nên tham khảo bảng chọn size (size chart) cho từng hãng cụ thể.

ĐIỀU CHỈNH MŨ BẢO HIỂM XE ĐẠP NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên, điều chỉnh độ rộng. Hầu hết mũ bảo hiểm đều có 1 con lăn điều chỉnh ở sau gáy, bạn chỉ cần vặn con lăn cho đến khi mũ vừa chặt với vòm đầu. Ngoài ra còn có những loại mũ điều chỉnh độ rộng bằng cách hoán đổi những miếng đệm lót bên trong nón.

Tiếp theo, cài chốt và điều chỉnh dây đeo dưới cằm. Phần dây đeo thường sẽ tạo thành hình chữ V ngay dưới tai của bạn. (Nếu nó không tạo hình chữ V, phần dây có thể sẽ không vừa và làm bạn thấy khó chịu, điều chỉnh nút gút để dây đeo trở nên vừa vặn và thoải mái).

Cuối cùng, với chốt khóa đã cài, hãy há miệng của bạn rộng ra. Lúc này, phần đỉnh trong của mũ phải ép chặt vào đỉnh đầu của bạn. Nếu không, có nghĩa là phần chốt quá lỏng và bạn phải siết chốt chặt hơn, sau đó lặp lại để kiểm tra. (Tránh siết quá chặt gây khó chịu).

MẸO CHỌN MŨ BẢO HIỂM XE ĐẠP ĐÚNG KÍCH THƯỚC

Kích thước khác nhau giữa các thương hiệu: để chắc chắn bạn nên kiểm tra lại chu vi vòm đầu niêm yết trên chiếc mũ bạn đang định mua. Và cũng tương tự như giày, mỗi thương hiệu lại thường dùng một phom dáng riêng, nên tốt nhất là bạn nên thử mũ bảo hiểm tại cửa hàng để chắc chắn là chiếc mũ phù hợp với phom đầu của bạn.

Nếu chu vi vòm đầu của bạn ở giữa 2 size, hãy chọn size nhỏ hơn. Cũng có thể cả 2 size đều không vừa với bạn, giải pháp là hãy cân nhắc sang mẫu nón khác, hoặc chọn size to và đội thêm một chiếc mũ vải đạp xe hoặc mũ len bên trong. Những người trưởng thành với vòm đầu nhỏ có thể đội vừa mũ bảo hiểm trẻ em một cách thoải mái.

Một chiếc mũ bảo hiểm vừa vặn có thể siết chặt nhưng không bó sát khó chịu. Mũ sẽ nằm ngang tương ứng với đầu của bạn (không ngửa ra sau) với phần rìa trước cao hơn lông mày khoảng 2cm để bảo vệ trán của bạn. Đẩy mũ bảo hiểm sang hai bên và trước sau, nếu nón di chuyển khỏi vị trí ban đầu quá xa, bạn nên điều chỉnh nón chặt hơn.

MỘT SỐ CÔNG NGHỆ BẢO VỆ TRÊN MŨ BẢO HIỂM XE ĐẠP

Nhiệm vụ ưu tiên của mũ bảo hiểm là bảo vệ bạn khỏi những chấn thương ở vùng đầu trong trường hợp bạn bị té xe, tất cả những bài kiểm tra được thiết lập ra đều để đo lường sự hiệu quả của mũ bảo hiểm trong trường hợp đó.

Phần bảo hộ trên mũ bảo hiểm bao gồm một vỏ bọc bên ngoài và lớp lót bên trong, được tích hợp lại với nhau:

  • Phần vỏ nhựa của mũ (plastic shell) giúp chống đâm thủng và cho phép nó trượt trong lúc va chạm để bảo vệ đầu và cổ của bạn.

  • Phần lót bên trong mũ (liner) thường làm từ xốp EPS (Expanded Polystyrene) cao cấp, nó bảo vệ đầu của bạn bằng cách làm chậm chuyển động và triệt tiêu lực va đập.

Chúng ta còn biết lực xoắn cũng có thể gây ra tổn thương não, ngay cả khi chỉ là chấn thương nhẹ. Hệ quả tất yếu là các nhà sản xuất mũ bảo hiểm đã nghiên cứu và phát triển ra hàng loạt các công nghệ, với các tên gọi và thuật ngữ khác nhau, để giảm thiểu lực xoắn khi gặp tai nạn. Nếu bạn thường xuyên đi xe đạp hoặc đơn giản là muốn yên tâm đạp xe hơn, bạn nên cân nhắc chi thêm tiền cho những công nghệ đặc biệt dưới đây:

Mips: công nghệ Multi-directional Impact Protection System (Mips), có trên mũ bảo hiểm xe đạp của một số thương hiệu, tiêu biểu như Bell, Giro, trang bị một lớp vật liệu ma sát thấp để chuyển hướng các lực xoắn tác động lên đầu bằng cách cho phép lớp lót bên trong nón xoay nhẹ trong suốt quá trình va chạm. Tham khảo mũ bảo hiểm xe đạp công nghệ Mips đang có tại Ride Plus

WaveCel: có trên một vài mẫu mũ bảo hiểm của Bontrager, công nghệ này cung cấp một lớp lót dạng ngăn xếp bên trong mũ với mục đích vừa hấp thụ lực va đập chính, vừa hấp thụ lực xoắn tác động lên đầu trong suốt quá trình va đập. Tham khảo mũ bảo hiểm xe đạp công nghệ WaveCel đang có tại Ride Plus

SPIN: công nghệ Shearing Pads Inside cung cấp những miếng đệm silicon bên trong nón, với kết cấu đặc biệt có thể di chuyển để triệt tiêu lực xoắn trong quá trình va đập.

CÁC TÍNH NĂNG CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hệ thống thông gió (vents): các rãnh thông gió trên mũ bảo hiểm gia tăng luồng không khí thổi qua đầu bạn, giúp làm mát và tăng sự thoải mái khi đạp xe. Có nhiều rãnh thông gió cũng làm cho mũ nhẹ hơn.

Lưỡi trai (visor): rất nhiều tay lái rất thích lưỡi trai che nắng trên mũ bảo hiểm, thường là các tay lái xe đạp địa hình.

Mũ full-face: một số mũ bảo hiểm xe đạp địa hình có thêm vòm bảo vệ quanh cằm (chin bar), giúp bảo vệ mặt tốt hơn cho những tay lái đổ đèo hoặc những tay đua chuyên nghiệp.

Tương thích phụ kiện: một vài mũ bảo hiểm được thiết kế để bạn dễ dàng gắn lên ngàm (mount) giữ đèn hoặc camera hành trình.

CHĂM SÓC MŨ BẢO HIỂM XE ĐẠP

Tránh dùng chất tẩy mạnh để vệ sinh mũ bảo hiểm. Các nhà sản xuất thường khuyến cáo chỉ nên dùng một chiếc khăn mềm hoặc miếng bọt biển thấm nước cùng một ít xà phòng. Các miếng đệm lót bên trong nón có thể tháo rời và giặt riêng.

Tránh để mũ bảo hiểm ở nơi quá nóng. Nhiệt độ cao có thể tạo ra bọt khí bên trong lớp xốp của mũ và phá hủy chúng. Đừng đội mũ bảo hiểm đã bị hư hỏng do nhiệt độ.

Tránh cho người khác mượn mũ của bạn. Bạn cần phải biết chính xác những gì đã xảy ra với chiếc mũ bảo hiểm của mình trong suốt vòng đời của nó.

KHI NÀO CẦN THAY MỚI MŨ BẢO HIỂM XE ĐẠP

 bảo hiểm xe đạp được thiết kế để hấp thụ chỉ một cú va đập mạnh duy nhất, nên thường mũ bảo hiểm sẽ luôn bị hư hỏng sau mỗi vụ tai nạn. Cho dù trông nó có vẻ còn tốt, hãy mua mũ mới.

Và ngay cả khi bạn không gặp bất cứ tai nạn nào, bạn cũng nên thay mới mũ bảo hiểm xe đạp sau mỗi 5 năm. Bụi bẩn, tia UV và thời tiết có thể làm hỏng chiếc mũ của bạn từ từ mà bạn không hay biết.

Tham khảo các sản phẩm mũ bảo hiểm xe đạp cao cấp đang có tại Ride Plus hoặc inbox để được tư vấn thêm.

Hotline: 1900636424 

 

*Nguồn tham khảo: https://www.rei.com/

CHỌN MŨ BẢO HIỂM THEO NHU CẦU:

 

 

Mũ bảo hiểm trẻ em

Mũ bảo hiểm đường trường


Mũ bảo hiểm MTB

 

Xem thêm:

Cảm nhận về mũ bảo hiểm xe đạp Bontrager Starvos WaveCel 

Hướng dẫn lắp đặt vỏ xe đạp không ruột tubeless

Chọn vỏ ruột xe phù hợp cấu hình & nhu cầu sử dụng


Gửi bình luận


Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Contact Me on Facebook
article